HỌA SĨ TRẦN ĐẠT: CẢ CUỘC ĐỜI CHỈ CÓ VẼ
Thuở ấy, có một cậu bé không mơ về giấc mơ giàu sang, danh vọng của bác
sĩ, kỹ sư. Đập vào đôi mắt cậu bé Trần Đạt lúc bấy giờ là hình ảnh của một người
họa sĩ gần nhà. Sự ngưỡng mộ, niềm đam mê hội họa cùng với năng khiếu bẩm sinh
đã thôi thúc cậu bé Đạt trở thành một người hay vẽ, rồi thành danh với hai từ họa
sĩ.
Từ lần đầu gặp ông trong chuyến đi Cà
Mau vài tháng trước, giờ gặp lại, Trần Đạt vẫn như thế. Đã hơn 60 năm cuộc đời,
cái nét trẻ trung, yêu đời vẫn thể hiện rõ qua vẻ bề ngoài của ông.
Hôm ấy, ông đến gặp chúng tôi bằng
phong cách quen thuộc, áo sơ mi cùng chiếc quần jean sờn màu, vương vãi sơn,
đôi mắt ti hí giấu sau cặp kính tròn. Mọi thứ với ông rất đơn giản, nhưng gọn
gàng, tươm tất.
Họa sĩ Trần Đạt vẽ tặng một sinh viên. Ảnh: Duyên Phan (người viết mặc áo ca-rô đỏ phía sau. :v) |
Đam mê là chính
Câu chuyện dài về con đường đến với hội
họa của ông kích thích cả những ai chưa từng động đến chiếc cọ hay tờ giấy vẽ.
Thuở ấy, có một cậu bé không mơ về giấc
mơ giàu sang, danh vọng của một bác sĩ, kỹ sư. Đập vào đôi mắt cậu bé Trần Đạt
lúc bấy giờ là hình ảnh của một người họa sĩ gần nhà. Sự ngưỡng mộ, niềm đam mê
hội họa cùng với năng khiếu bẩm sinh đã thôi thúc cậu bé Đạt trở thành một người
hay vẽ, rồi thành một họa sĩ như bây giờ.
Cậu bé Đạt thời tiểu học cũng nghịch
ngợm như bao người, nhưng cách nghịch lại khác. Từ thời đấy, cậu trò Đạt đã biết
bôi bẩn bao nhiêu chiếc bàn bằng những nét vẽ chân dung thầy cô. Chắc cũng
không thầy cô nào nỡ bắt phạt một người có niềm đam mê với vẽ vời như thế.
Rồi cuộc đời vẫn cứ dẫn dắt ông đến với
công việc mấp mé với hai từ nghệ sĩ. Không là một họa sĩ nghệ thuật đúng nghĩa,
nhưng ông cũng chọn công việc vẽ panel quảng cáo. Chuyện sáng tạo, thiết kế, vẽ
vời cũng phần nào xoa dịu đi cái ham muốn trở thành một họa sĩ.
Những tưởng cuộc đời đã ổn định trong
công việc vẽ panel quảng cáo, thì một cơn sóng gió đổ ập xuống cuộc đời ông.
Năm 1997, ở cái tuổi 44 ông bị tai biến, liệt cả nửa người.
Mỗi ngày nhìn người vợ mình mà xót xa
“Con gái nhà giàu mà giờ phải nằm ngủ dưới chân giường mình mỗi đêm”, khi kể đến
đây, giọng ông bắt đầu trầm lại và cố tìm những ngôn từ để diễn tả một cách khó
khăn. Trần Đạt và vợ chia tay. Mặc dù còn thương, nhưng ông cũng dứt khoát li dị
để vợ mình có được cuộc sống tốt hơn.
Theo lời bác sĩ, từ lúc bị bệnh, ông
đã gác lại mọi công việc và bắt đầu tìm vui trong những mảng màu cuộc sống. Từ
đó, ông tiếp tục con đường theo đuổi đam mê nghệ thuật thật sự của mình.
Nhìn lại câu chuyện đã gắn bó với
mình ngót gần cả đời người, ông cười, giọng cười sảng khoái: “Đến giờ, bác chẳng
có gì, chỉ biết lấy lời khen làm niềm tự hào. Với bác, đam mê là chính”.
Rồi ông chốt lại bằng một câu khẳng định
chắc nịch: “Nếu có lựa chọn lại, bác vẫn mong được như bây giờ”. Ông tự nhận rằng
mình không giàu, nhưng sang lắm. Không có gì trong tay nhưng đi đâu cũng gặp được
nhiều người, rồi kết duyên bằng hữu, được thương, được quý, đó là cả một gia
tài.
Phiêu lưu là câu chuyện của cả cuộc đời
Trần Đạt ung dung đi khắp mọi miền đất
nước, rồi mỗi nơi, ông để lại vài nét chì của mình. Có lẽ vì thế mà ông có nhiều
thời gian hơn để trãi đời, hiểu người mà thổi cái hồn, cái tình vào mỗi tác phẩm
của mình. Và cũng bởi cái đam mê mà ông gắn cả cuộc đời mình vào chuyện vẽ vời và
lấy điều đó làm cái vui cho cuộc sống. Dần dà cái phiêu lưu, cái rong ruổi, cái
túy họa… tạo thành cái thương hiệu riêng không lẫn vào đâu được.
Vẽ nhiều, nhưng ông chỉ vẽ khi có được
cảm hứng, bắt được đúng “tần số” của người đối diện mới có được một bức tranh đẹp.
Lại có khi hơi men giúp ông tạo được những tác phẩm có giá trị. Bởi thế, cái từ
“túy họa” được gán ngay cho Trần Đạt.
Người ta bảo nhau rằng, Trần Đạt có
cái tài vẽ ký họa, nhanh mà bắt đúng cái thần của nhân vật. Chỉ chưa đầy một
bài hát, người xem hút chưa trọn một điếu thuốc, ông đã có thể vẽ xong một bức
chân dung.
Nói là vẽ nhanh, nhưng từng đường nét
lại được người nghệ sĩ trau chuốt cẩn thận, không để vương một chút cẩu thả
nào. Để bức tranh trở thành nơi ký thác nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ. Ở đó,
mỗi bức tranh là một sự khác biệt, mỗi nhân vật là một cách mà Trần Đạt nhìn đời,
nhìn người.
Cũng ngay tại lớp học chiều hôm ấy, bọn
sinh viên chúng tôi cũng có dịp xem Trần đạt múa chì trên mặt giấy. Đôi mắt ông
liếc liên hồi từ người mẫu đến tờ giấy vẽ trên tay, khuôn mặt thì luôn thường
trực nụ cười. Thanh chì trên tay như con thoi, đưa qua đưa lại liên hồi. Chẳng
mấy chốc, khuôn mặt cô bạn tôi sáng bừng trên tờ giấy trắng. Tuy vẽ nhanh,
nhưng không hề cẩu thả. Trần Đạt ông ý đến từng chi tiết nhỏ và khéo léo diễn tả
bằng những đường nét.
Ông không học một trường lớp chính
quy nào về hội họa. Ông nhìn nhận những thiếu thốn đó là một cơ hội của mình,
“Mình cũng có cái ưu điểm là mình không giống ai cả. Từ việc mình không học những
điều từ trường lớp chính quy mà mình đã lọc những điều phù hợp với cách vẽ của
mình và mình đã tổng hợp được nó để trở thành một phong cách riêng”
Rong ruổi khắp mọi nơi, gặp ai, mến
ai, Trần Đạt đều vẽ tặng, và vẽ tặng các họa sĩ khác. Rồi có ai chịu thua ai,
“mình vẽ cho người ta thì người ta cũng vẽ ngay tặng cho mình”. Mang tiếng vẽ
nhiều, nhưng gia tài của Trần Đạt là những bức vẽ mà những họa sĩ khác vẽ tặng ông.
Còn hầu hết những tác phẩm của mình đều được tặng lại cho nhân vật trong tranh
và nằm rãi rác khắp mọi miền.
“Ông không có triển lãm thì cả cuộc đời
ông có vẽ cũng như không”. Chính câu nói này đã khiêu khích Trần Đạt tổ chức
cho riêng mình một triển lãm. Rồi Trần Đạt cũng chịu dừng chân vài phút phiêu bạt
cho cái triển lãm chân dung ký họa của riêng mình – “Danh nhân và bằng hữu”.
Còn phiêu lưu là câu chuyện của cả cuộc đời, dừng chân đứng đợi một chút, cũng
chẳng chậm trễ gì.
Món quà muộn
Đôi tay Trần Đạt đã chai sần trên những
trang giấy và vẽ chân dung cho bao nhiêu người, nhưng điều đọng lại sâu lắng nhất
trong kí ức ông chính là lần ông vẽ bức chân dung cuối cùng tặng mẹ.
Từ những năm ông còn bé, đối với mẹ
ông, vẽ vời là một chuyện cấm kỵ. Cái nghèo đã ám ảnh bà, bà nghĩ cuộc đời người
nghệ sĩ sẽ bị dán chặt vào sự thiếu thốn, cơ cực, do ông ngoại ông cũng là một
nghệ sĩ nghèo. Thế nên từ lúc biết con mình ham thích hội họa, bà đã cấm hẳn.
Ông cũng ngậm ngùi: “Nói là cấm chứ
bà cũng không cấm hẳn”. Bởi trong căn phòng nhỏ của ông lúc đó, làm sao giấu mẹ
được những bức vẽ mà mỗi ngày càng những trang giấy vẽ lại càng nhiều hơn. Bà
cũng âm thầm cho con mình được phần nào sống với niềm đam mê nơi những bức vẽ,
nhưng vẫn muốn định hướng cho ông một công việc cụ thể, ổn định.
Đêm trước ngày đưa tang, ông ngồi lại
bên mẹ. Ngồi nhìn bà qua lớp kính quan tài, bao nhiêu tình cảm ông giãy bày qua
từng nét vẽ bằng bút bi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng đó, ông
cũng kịp hoàn thành bức chân dung cuối cùng cho mẹ. Người cậu của ông cũng ngỡ
ngàng trước bức vẽ tuy đơn sơ nhưng đã thể hiện được tình cảm chất chồng trên tờ
giấy nhỏ. Bức vẽ ấy giờ được người cậu lưu giữ như những kỷ niệm cuối cùng của
người chị mình.
Nghĩ cũng lạ, bà cũng từng cấm ngăn
con trai của mình vẽ vời, nhưng món quà cuối cùng mà người con trai đó có thể tặng
bà là một bức vẽ. Có lẽ giây phút cuối cùng bà cũng có thể mỉm cười mà tự hào về
người con của mình. Món quà muộn này cũng là một sự đảm bảo rằng Trần Đạt không
trở thành bác sĩ, kỹ sư như bà muốn, nhưng ông đã sống đúng với đam mê của
mình, thể hiện được bản thân mình trước xã hội và thầm nói với mẹ ông rằng con
trai bà đã thành đạt, nhưng theo cái cách của riêng ông.
Sự cố gắng đã mang đến cho ông những
thành quả không hữu hình về vật chất, không cho ông sự giàu có, sung túc nhưng
đã tạo nên một cái danh thơm để đời.
Có lần, Trần Đạt xin vẽ một bức chân
dung ký họa cho nhà văn Tô Hoài, người mà ông thầm ngưỡng mộ từ lâu. Từ sự ngờ
vực ban đầu, cụ Tô Hoài cuối cùng cũng mỉm cười hài lòng với bức vẽ trên tay.
Không một lời khen nào có giá trị hơn một câu nói đầy tin tưởng: “Vẽ thêm cho cụ
bà một bức nữa nhé”. Đến đó, Trần Đạt hiểu ông đã làm tốt thế nào: “Tuy cụ
không khen nhưng lời nói ấy như một lời công nhận và động lực cho tôi tiếp tục
sống với đam mê của mình”
Những thăng trầm trong cuộc đời không
làm gục ngã được Trần Đạt, ngược lại, ông còn lấy những điều đó làm nên cái
khác biệt trong phong cách của mình. Khi thật sứ sống đúng với đam mê, cái nghề
không phụ ai bao giờ. Gọi là cái nghề, nhưng thực ra nó không mang lại cho ông
những thu nhập cụ thể. Có chăng là bạn bè cung cấp cho ông những vật tư cho hội
họa hay chỉ với một chầu nhậu giữa các anh em.
Giữa dòng đời, nơi người ta mưu cầu
cái danh cái lợi, Trần Đạt vẫn lao đi với cuốn sổ vẽ và vài cây chì làm bạn, gạt
bỏ những thứ xa xỉ về vật chất mà sống cho cái đam mê của mình. Cứ thế, vết xe
ông đi cũng ngang dọc cả đất nước này.
Trong giây phút nhìn lại quãng đường
dài mà mình đã đi qua, ông cũng gật gù: “Đến cái tuổi này, bác đã cảm thấy rất
là hài lòng”.
Tôi sực nhớ đến dáng một cậu bé mắt
ti hí đang vui cười vẽ những bức tranh đầu tiên trên đất và cặm cụi vẽ chân
dung thầy cô trên mặt bàn học của mình. Cái cách cậu bé vẽ, quy chung vào mấy
chữ - đầy đam mê!
CẨM TIÊN