HAI MẶT ĐỐI LẬP CỦA MỘT CON ĐƯỜNG

Đường Phạm Văn Đồng thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (Q.Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức) dài 12,2km, bắt đầu từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đến nút giao thông Linh Xuân (Q.Thủ Đức) cho 12 làn xe lưu thông. Buổi tối, giữa tiết trời se lạnh của những ngày lập đông, dọc theo con đường này là những hình ảnh đối lập về hai mặt cuộc sống.


Con đường giải trí…
Từ hơn 19 giờ, hàng trăm người dân kéo lên khu vực cầu Bình Lợi để vui chơi. Nhiều bạn trẻ, người lớn vô tư dừng đỗ xe trên cầu đứng trên hành lang hai bên cầu để ngắm cảnh và tạo dáng chụp hình không khác gì công viên giải trí.
Những cặp tình nhân thì biến nơi đây thành công viên để hò hẹn. Chỉ cần một tấm áo mưa được trãi dưới đất là thành một chỗ hẹn hò lý tưởng. Một số đôi khác chỉ đơn giản là đứng trên cầu để tâm sự. Cũng có những người lấy đây làm nơi vừa đi dạo, vừa tập thể dục. Cô Thanh, sống trên đường Nơ Trang Long, cho biết: “Tối cô với chú cũng rãnh, nên ra đi tập thể dục, rồi hóng mát luôn. Ở đây tối nào cũng đông vậy đó”
Cứ cách chừng 5 bước chân là có một cặp đang trò chuyện. Dưới lòng đường là những chiếc xe của từng đôi bạn xếp thành hàng dài trên cầu, chiếm một phần không gian của làn đường dành cho người đi xe máy. Bên cạnh đó là những xe hàng rong vô tư  chiếm lấy một phần đường thành nơi buôn bán tấp nập. Khi được hỏi để xe dưới lòng đường có bị phạt không thì anh Dương (Bình Thạnh) cho biết: “Người ta có đuổi thì mình đi thôi. Ở đây cũng đông mà, người ta đâu bắt một mình mình được” ­
Những bữa ăn nhẹ, hay những thứ nước uống càng nhiều thì rác xuất hiện quanh đó càng nhiều. Từ những vỏ ly nước, ly trà sữa cho đến đủ loại túi nilon được để lại trên hành lang cầu cho đến dưới lòng đường. Nhiều người đến đây ngồi chơi, ăn uống, đến khi tiệc tàn đã “tiện tay” để lại những mảnh rác.
Đường Phạm Văn Đồng đã vô tình bị biến thành phố nhậu khi dọc theo con đường này là nhiều quán nhậu, quán cà phê nằm san sát nhau. Bàn ghế được bày ra chiếm trọn lấy phần vỉa hè khiến những người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Cầu vượt dành cho người đi bộ cũng trở nên vắng vẻ vào giờ này. Không có nhiều khách bộ hành sử dụng cầu vượt này, nhưng đây lại là một điểm hò hẹn khác của những bạn trẻ.


…Và lao động về đêm
Một người đàn ông mặc chiếc áo lính sờn cũ, đi đến từng bàn chìa ra chiếc nón lưỡi trai, tay kia vẫn cầm điếu thuốc còn đang cháy dở, miệng nở nụ cười. Vài người đáp trả bằng những cái lắc đầu, số khác lại tỏ ra không quan tâm và tiếp tục với câu chuyện dang dở của mình. Ở những bàn nhậu, quán nước như thế này thường xuyên xuất hiện những tiếng mời chào thanh kẹo cao su, vé số hay túi trái cây…
Gần đó, một người công nhân vệ sinh tranh thủ vài phút nghỉ ngơi đứng ghé xem vào màn hình TV của một quán nhậu đang chiếu trận Chelsea gặp West Brom. Xem được hơn 1 phút, anh vội đẩy xe rác đi để kịp người đồng nghiệp đang quét rác phía trước. Công việc của anh là hốt từng đống rác được người kia quét và nhóm lại. Hai người cứ đi như thế, thỉnh thoảng anh lại dành chút thời gian ghé mắt vào những chiếc màn hình TV của những cái quán ven đường.
Gần 11 giờ đêm, con đường phía dưới cầu Bình Lợi giờ đã thưa người qua lại. Một cô công nhân vệ sinh đang quét từng mảnh rác bên vệ đường. Phía lề đường bên kia, một thanh niên trẻ vẫn miệt mài kéo, đẩy những xe rác đầy ắp. Xung quanh, mùi rác bốc lên nồng nặc. Tiếng chổi tre vang lên soàn soạt. Cô nói, công việc của cô là quét rác từ 19 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm cô phải quét ở 2 khu vực. Đến giữa khuya, khi đã quét xong khu vực này, cô sẽ đu theo xe rác đến một khu vực khác, tiếp tục làm việc.
Trên hành lang cầu, hai đứa trẻ mặc những bộ quần áo mỏng manh, đang say sưa trò chuyện cùng nhau, trên tay là hai bó bông to oạch. Thấy ống kính máy ảnh chĩa về phía mình, hai em vội lấy tay che lại và phản ứng: “Chị chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội phải không?”. Bằng giọng nói lanh lẹ, sành sỏi như thuộc bài, một em nói: “Tụi em đi bán cho hết bông này mới về nhà. Ba mẹ đi làm”. Nói xong, hai em quay sang bảo nhau: “ Đi bán lẹ cho hết đi còn về”. Hai chiếc bóng nhỏ tiếp tục rảo bước trên đường.
Đã gần đến giữa đêm, ở chân cầu, một người đàn ông đang nói chuyện cùng một bé trai trạc 12 tuổi. Họ xưng hô với nhau bằng đại từ “ba – con” rất tự nhiên: “Hôm nay con bán được bao nhiêu?”. Rồi họ rôm rả nói về số kẹo cao su trong hộp. Cuối cùng, người đàn ông đưa cho cậu nhóc một vài hộp kẹo mới rồi bảo: “Giờ tới sáng là phải bán hết mấy cây này nghe chưa”. Một lúc sau, một bé gái khác đi đến.
Người đàn ông nổ máy xe, rồi vội vàng chở hai em đi qua phía bên kia cầu, mất hút vào màn đêm.

CẨM TIÊN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến