Nếu mau mắn, chúng ta có thể đang chờ nhau


Tôi cũng từng xem review nhanh phim “The Terminal” vài lần trên mạng, thế mà tối qua xem trọn phim trên Netflix, tôi mới đọng lại được nhiều điều. Nhiều lần nước mắt tôi cũng chảy ra vô thức trong câu chuyện của chàng diễn viên chính.

Khoảnh khắc Viktor Navorski phát hiện ra sự sụp đổ của đất nước mình qua… màn hình TV của nước khác thật sự rất đau lòng khi xung quanh, anh không tìm được ai có thể hiểu mình chứ nói gì đến việc có thể chia sẻ. Cách anh phải cố nhớ và tìm từ điển dịch từng chữ một khiến tôi tự trách mình đã không yêu quê hương được đến thế.

Tôi đã bật khóc khi chứng kiến được tình bạn quá tuyệt vời nảy nở giữa những bất đồng ngôn ngữ, giữa những hiều lầm, giữa không gian riêng tư hiếm hoi ở một sân bay quốc tế… Họ hi sinh cả sự tự do vì nhau khiến mình thật sự mong mỏi về một người tri kỷ, một người để mình trung thành và trung thành tuyệt đối với mình.

Rõ ràng là chúng ta không thể tồn tại đơn lẻ giữa thế giới này. Nhưng giữa rất nhiều người, đôi lúc tôi cô đơn trong những không gian đông đúc và thấy rất hạnh phúc khi được ở một mình trong không gian nhỏ bé của chính mình.
Đó là khi tôi nhận ra mình bị mất kết nối với bạn bè và xã hội.
Tôi đã từng như thế với gia đình của mình. Đã từng rất ghét phải về nhà. Đã từng rất không thoải mái khi phải trả lời những câu hỏi của người thân. Nhưng bằng cách nào đó, cuối cùng tôi cũng tìm được niềm vui nho nhỏ trong gia đình. Tôi đã biết trông mong những ngày cuối tuần để về quê và sống trong không gian nhỏ bé do chính mình tạo dựng nên. Trên mảnh đất nho nhỏ được ba cho, tôi đã có thể có nơi thờ cúng ông bà, tôi có thể cho ba mẹ cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi yêu từng viên gạch, từng mảng tường, từng chiếc bàn chiếc ghế… mỗi thứ đều thấm đẫm mồ hôi cả nước mắt của tôi. Chúng đã chứng kiến từng sự cố gắng của tôi.
Rồi sau mọi khó khăn, tôi đã có thể mở lòng một chút trò chuyện cùng gia đình. Tôi đã tự mình thắt lại sợi dây liên kết đã đứt lìa một khoảng thời gian. Cảm giác lúc đó của tôi đoán là như chàng Viktor Navorski khi tìm được dòng chữ ký cuối cùng vào chiếc hộp thiếc đựng jazz của anh.



Cơ mà, điều khiến mình trăn trở là mối tình của nam-nữ nhân vật chính. Câu chuyện đầy đau đớn từ đầu chí cuối. Đôi lần hạnh phúc có nhen nhóm lên nhưng cũng bị dập tắt không lâu sau đó. (Nhưng thực ra, mối tình nho nhỏ đó (cùng tình bạn 4 người kia) là một động lực rất lớn để Viktor Navorski có thể tồn tại gần cả năm trời ở sân bay đó)
Nhưng cuối cùng thì hóa ra, Viktor Navorski luôn chờ đợi Amelia Warren, nhưng nàng tiếp viên lại luôn chờ đợi một tia hi vọng nhỏ nơi người tình quan chức giàu có của mình. Trái tim nàng đã đôi lần rung động vì Viktor, nhưng nàng chưa bao giờ sẵn sàng để từ bỏ mối tình vụng trộm của bản thân. Cái kết không nói rõ nàng có được đường đường chính chính đến với người yêu không, nhưng nàng đã hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Hóa ra, ai cũng đang có lý do để chờ đợi.
Nếu may mắn, chúng ta có thể đang chờ nhau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến