MÃ PÌ LÈNG: CÁI RÉT VÀ HAI CHIẾC BỤNG ĐÓI

#chuyenvunvatcuaivy

Ăn cơm lam, ngắm sông Nho Quế từ Điểm dừng chân đèo Mã Pì Lèng. (Ảnh: Cẩm Tiên, chụp sáng hôm sau, đêm đó cóng lắm, không chụp choẹt được gì)
Đến Đồng Văn lúc gần 8 giờ tối, nhiệt độ mỗi lúc một xuống thấp, cả hai trong tình trạng lạnh cóng và đói bụng trong khi không tìm được một nhà nghỉ nào ở thị trấn Đồng Văn. Nép tạm vào một căn homestay của người quen, hai đứa lấy điện thoại ra tức tốc tìm phòng trên booking. Đồng Văn hết chỗ. Em quay sang hỏi:

"Có cái homestay Mã Pì Lèng này được nè chị"
"Xa không?"
"Không xa lắm, 10km thôi"
"Mà đường dễ đi không?"
"Dễ mà, em đi qua đó hoài, quen đường rồi"

Và thế là hai đứa vừa đói, vừa rét cuốn gói lên đường, đi tìm chỗ nương náu khi trời đã tối. Khi đó tôi còn định bụng sau khi sắp xếp ổn thỏa chỗ nghỉ ngơi, tắm nước nóng và ăn uống xong sẽ quay về Đồng Văn ngay để kịp tham gia lễ hội Tam Giác Mạch sắp diễn ra ở đây.
Xe rời thị trấn, nhà cửa bắt đầu thưa dần. Chẳng lâu sau, tôi chợt nhận ra mình bị lừa. Giữa cơn đói rét, nó đã lẳng lặng dẫn dụ tôi chinh phục một trong những cung đường đèo hiểm trở nhất Việt Nam.
Con đường chúng tôi đi qua quanh co và không chút ánh sáng đèn đường. Bên dưới bánh xe, nhiều đoạn đường bong tróc đủ các loại ổ gà, ổ vịt. May thay, hôm ấy đêm rằm, có trăng, con đường đi cũng được thêm chút ánh sáng dịu. Còn cảnh vật thì mờ ảo như trong truyện tranh.

“Chị nhìn qua bên đây nè”

Tôi ngó sang bên tay trái, một khoảng không vời vợi, đồi núi trập trùng, bên dưới là vực sâu hun hút và lấp lánh ánh sáng xanh. Trên cao, trăng dần lộ ra giữa những vầng mây dày đặc, thứ ánh sáng mê hoặc khiến tôi không thể rời mắt. Tôi nghĩ nó bảo tôi ngắm trăng, nhưng rồi, đoạn nó nói tiếp.

“Chị thấy mấy dãy núi bên kia không. Trung Quốc đó. Bên dưới là sông Nho Quế chia giữa Việt Nam và Trung Quốc”

“Thật hả?”

Sau khi định thần lại, tôi lại tiếp tục nhìn về hướng bên kia sông. Tim tôi đập nhanh hơn một chút, cảm giác mình chỉ cần giơ tay ra đã chạm đến một điều gì thật thiêng liêng ở nơi địa đầu Tổ quốc. Trời đêm mỗi lúc một lạnh hơn, hai bắp chân tôi tê lạnh, tôi chọc tay vào túi áo khoác của cậu em phía trước như thường lệ và khẽ siết chặt hơn một chút. Bất giác, tôi lại hỏi:

“Em sắp chở chị bán qua biên giới rồi hả?”

Những dải lau trồng ven đường khua xào xạc mỗi khi có một cơn gió thổi qua. Lúc đó, chúng tôi không hát nữa, vì mở miệng ra là gió lạnh ùa vào miệng, chỉ có cóng thêm...

Cẩm Tiên
Hà Giang, 11.2018
(nhớ ra khúc vào viết ra khúc đó)

Bài đăng phổ biến