TÔN THẤT HƯNG VÀ CÁI DUYÊN CÁ SẤU


Được tiếp cận với công việc nuôi cá sấu, từ một anh tổ trưởng tổ bò sát đã trở thành một ông chủ của Làng cá sấu Hoa Cà.


Cuộc đời gắn với “cá sấu”

Cách đây hơn 30 năm, Tôn Thất Hưng tốt nghiệp trung cấp về nông nghiệp. Anh được nhận vào làm trong Thảo Cầm Viên đúng lúc người tổ trưởng tổ bò sát nghỉ việc, thế là anh làm ngay vị trí đó.
Sau, anh được đi cùng một chuyên gia Cuba đi tìm hiểu về việc nuôi cá sấu và cũng khoảng thời gian này, anh nhận ra được những nguồn giá trị lớn mà cá sấu mang lại. Năm 1985, anh tìm tòi, bắt chước học theo người ta cách ấp trứng cá sấu, không ngờ cũng thành công. Và đây cũng chính là ca ấp trứng cá sấu thành công đầu tiên tại Việt Nam. Hai năm sau thì anh lập được trang trại cá sấu cho riêng mình.
Cái tên Hoa Cà cũng xuất phát tình cờ trong một lần anh đi bắt cá sấu ở Cần Giờ đúng mùa hoa cà dại nở. Màu cá sấu lẫn trong màu hoa cà nở. Và cái sự lãng mạn của anh đã biến thành tên của thương hiệu tồn tại mạnh mẽ cho đến tận bây giờ. Thậm chí, tên Hoa Cà còn khiến nhiều người nhầm tưởng là một giống cá sấu.
Nhưng không phải cuộc đời là một chuỗi dài may mắn, anh đã trãi qua nhiều thất bại để đến với thành công như bây giờ, nào là kinh doanh bò sữa, nhung nai, đến chó becgie nhưng đều thua. Chỉ đến khi anh đến với cá sấu, anh mới thực sự đạt được thành công. Có lẽ, cuộc đời này đã buộc anh vào hai từ “cá sấu”.
Câu chuyện ông chủ Làng Cá sấu Hoa cà thả 25 con cá sấu về với thiên nhiên từng gây nhiều tranh cãi trong giới làm nghề. Nhưng anh giải thích rằng làm kinh doanh kiểu gì thì cũng phải có trách nhiện với thiên nhiên, con người thì có ơn phải có trả. Cá sấu đã mang lại lợi nhuận cho anh, thì cũng đến lúc anh phải trả ơn cho thiên nhiên. 25 con cá sấu trở về với thiên nhiên là anh bỏ đi 25 cây vàng ở thời điểm đó. Ấy vậy mà anh vẫn làm. Về sau, cũng có nhiều người nối tiếp công việc này của anh.
Trong lúc trò chuyện, anh đem ra những bài báo cũ cho chúng tôi xem. Những mẩu báo được cắt xén gọn gàng, được anh cất giữ cẩn thận, giờ lại có dịp mang ra “khoe” cùng chúng tôi. Anh nâng niu chúng như đánh dấu từng mốc son của sự nghiệp. Và tôi biết anh đã trân trọng những bài báo như trân trọng những thành tựu của cuộc đời mình.



“Tôi không có tình yêu với cá sấu”

Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông với mọi sự cho bản thân đều giản dị, từ quần áo đến giày dép, nhưng lại chăm sóc cho công việc xung quanh mình bằng tất cả sự cẩn trọng, tính toán. Cả một khu trại nuôi cá sấu hoành tráng nhưng ít ai biết được, trước đó, nơi đây là một bãi đất trống hoang vu. Với niềm đam mê có thể gọi là cuồng nhiệt này, anh đã biến khu đất trở nên có sức sống hơn hẳn, và anh biết kiếm ra tiền từ những cái khó khăn.
Đối diện với một người đã bước đến bục vinh quang của nghề nghiệp, cá sấu là một phần trong sự thành công của anh, nhưng khi anh nói “Tôi không có tình yêu với cá sấu”, tất cả chúng tôi đều không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Anh giải thích thêm, “Tôi có tình yêu lớn nhất là với cái đam mê nuôi cá sấu của mình. Còn với cá sấu, tôi gọi đó là sự biết ơn. Vì nó tạo dựng cho tôi cuộc sống như thế này. Nó cho tôi cơ hội rèn luyện cái khả năng của mình”.
Năm 2007, khi cá sấu xuống giá, công ty đứng trên bờ vực phá sản. Đứng giữa những khó khăn không bán được hàng, những chủ nợ réo bên tai, anh kể, đó là khoảng thời gian mà “có đứng trên lầu cao nhảy xuống cũng không sợ, cảm giác không phải là sự hiếu kỳ, mà là mắc cỡ”. Thời vang danh thì được ca ngợi, rồi bỗng chốc đứng trước hố sâu của thất bại.
Khi ấy, cũng may mắn có một vài người bạn cho anh một quyển sách. Cái anh tìm được trong quyển sách là: Sự thành công là do cách chúng ta suy nghĩ, chứ không phải những cái mà chúng ta phải đối diện hiện tại. Những điều đó đã trở thành những nhánh nhỏ của một cái công thức suy nghĩ của anh. “Khi tôi tìm ra được cái công thức cho suy nghĩ của mình, thì cứ từ từ mà suy nghĩ mình thay đổi”, anh nói. Và anh gọi cái công thức đó là Định luật tương quan. Chúng ta có thể lập trình cho cuộc đời của mình làm sao để vừa có nhiều tiền mà chúng ta vừa có hạnh phúc.
Anh khuyên chúng tôi nên đặt những mục tiêu rõ ràng có ý nghĩa và gắn cho chúng một nguồn cảm hứng. Có như vậy mục tiêu mới có thể thực hiện được. Ngay từ lần đầu biết đến những giá trị lớn mà cá sấu có thể mang lại, anh đã sống với niềm đam mê này. Mọi sức lực anh dồn vào nuôi cá sấu của riêng mình để kiếm được nhiều tiền. Từ những gì đạt được của bản thân, anh muốn nhân rộng mô hình nuôi cá sấu này, để nhiều người khác được nuôi và phát triển Việt Nam thành một cường quốc cá sấu.

Kim cương tươi đẹp

Khi một người bạn hỏi đùa anh rằng: “Sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ, thì cái bóng của anh đâu?”. Anh uống ngụm bia, rồi cười bẽn lẽn: “Chắc tại chưa thành công nên chẳng thấy cái bóng nào cả”
Khi gặp rắc rối, anh nói, cái khổ tâm của anh là không biết chia sẻ cùng ai. Người không tôn giáo như anh không biết cầu nguyện với đức tin gì, đến lúc bí quá, thấy người ta cầu Chúa, cầu Phật, anh cũng cố níu lấy một niềm tin.
Con người dù thế nào, cũng luôn có những khoảng không cô đơn mà không thể lấp đầy. Ở anh, khoảng không này dường như quá lớn, đến bạn bè, sự thành công, tiền bạc, cũng không làm cho anh một cái gọi là hạnh phúc trọn vẹn.
Anh Út, Giám đốc thời trang Cty Cá Sấu Hoa Cà – một người bạn của anh Hưng cũng trầm ngâm khi nói về anh, “Hiểu được Tôn Thất Hưng càng muốn được chia sẻ với hắn, càng muốn an ủi hắn trong cuộc sống”.
Anh có thể tìm được những người bạn, đồng nghiệp đáng tin cậy để chia sẻ đi những gánh nặng của công việc, nhưng gần 55 tuổi đầu, anh chưa tìm được ai để chia sẻ những vấn đề tinh thần.
Bỏ lại tất cả sự thành công, những mưu toan tiền bạc, sự nghiệp, anh nói về cái tâm niệm của cả đời mình: Thực hiện xong dự án làm thuốc trị bệnh xương thuỷ tinh từ cao cá sấu. Mong muốn của anh là những đứa trẻ sẽ thoát khỏi sự đau đớn của căn bệnh này, có thể hoà nhập và sinh hoạt bình thường như mọi đứa trẻ khác. Anh nói anh phải thực hiện điều này trước khi mình mất, và những người sau sẽ tiếp tục phát triển những thành tựu này. Người đàn ông hơn 50 tuổi đời vẫn đang ngày ngày cố gắng cho một mục tiêu lý tưởng mới của cuộc đời mình. Hơn cả những suy tính cho bản thân, anh đang hướng đời mình vào trách nhiệm với xa hội.
Trước khi đi đến trung tâm nuôi dưỡng những trẻ em mắc bệnh xương thuỷ tinh, anh đã dặn dò chúng tôi rất kỹ. Anh không muốn dùng từ “tham quan”, mà thay vào đó là từ “thăm”. Anh nói, mấy đứa trẻ cũng là con người, không việc gì mà chúng ta lại đi “tham quan” như trong sở thú.
Khu trung tâm nằm khá sâu trong một con hẽm trên đường Phan Huy Giáp (Quận 12). Gọi là trung tâm, nhưng có vẻ nó là một khu nhà chung, một gia đình lớn. Anh đến thăm bọn trẻ, nâng niu chúng như núm ruột của mình. Anh đã yêu thương, chăm sóc cho chúng hơn ý nghĩa của một từ “cha”. Nhìn những đứa trẻ vui đùa hạnh phúc, nhiều em còn bơi lội, chơi ném bóng,… tôi hiểu anh đã cố gắng nhiều như thế nào.
Cái tên chương trình Kim Cương Tươi Đẹp đã nói lên được những gì anh đã mang lại ở đây. Từ nụ cười, những vận động của những đứa trẻ nơi đây đều được sự quan tâm chia sẻ từ anh.
Và rõ ràng có một viên kim cương vẫn toả sáng ở đó, mang tên anh.

CẨM TIÊN

Bài đăng phổ biến