CÀ MAU - VỀ NƠI ‘NGÓN CHÂN CÁI CHƯA KHÔ BÙN VẠN DẶM’


   Đất Mũi cách thành phố Cà Mau khoảng 120km. Với ba bề tiếp giáp biển, Đất Mũi là miền đất sinh sau đẻ muộn với bề dày lịch sử chưa bằng một phần ba kinh kỳ Thăng Long. Nhưng hiện tại, nó đang từng bước hoàn thiện mình, tạo nên một diện mạo mới đầy quyến rũ, đó chính là nền tảng cơ bản để đánh thức tiềm năng về du lịch.

Mắm trước đước sau


            Từ thành phố Cà Mau phải di chuyển hơn 50km đến Năm Căn, rồi tiếp tục di chuyển hơn 1 tiếng đồng hồ bằng canô mới đến được với Đất Mũi vì quốc lộ 1A đến thị trấn Năm Căn là dứt.
            Canô rời Năm Căn, rẽ sóng, lướt ào ào trên con sông Cửa Lớn. Những hành khách trên tàu kêu lên thích thú. Chốc chốc, chiếc canô lại nghiêng mình, rẽ qua lạch nước mới. Những tay lái lụa cứ thế mà hù doạ, làm khách trên tàu lắm phen thót tim.
            Sông Cửa Lớn có thể được xem là con sông duy nhất ở Việt Nam nối hai vùng biển: cửa Bồ Đề ở biển Đông và cửa Mũi Ông Trang ở biển Tây. Ba mặt giáp biển, mũi Cà Mau là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu Bắc-Nam và Tây-Nam với hai chế độ thủy triều khác nhau, cứ thế lắng đọng thành vùng phù sa rộng lớn hàng chục ngàn héc-ta.
            Người Cà Mau có một câu rất hay “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát”. Thật vậy, dọc hai bên bờ sông Cửa Lớn là muôn trùng những cây mắm, cây đước, nhiều không kể siết. Màu xanh biếc của rừng đước, rừng mắm như bao phủ cả Đất Mũi này.


            Đước và mắm là hai loại cây lạ lùng, đầy cá tính. Đước thì như chiếc nơm, từ thân mọc ra tua tủa cắm sâu vào lòng đất. “Đước thân cao vút, rễ ngang mình; Trổ xuống nghìn tay ôm đất nước” (Mũi Cà Mau, Xuân Diệu). Còn cây mắm thì rễ tua tủa lên trời như vạt chông thời ông Ngô Quyền đâm thủng thuyền giặc.
            Khi biển rút nước, cây mắm đi trước cắm rễ. Rễ mắm ngoi ngược lên mặt nước, nhờ đó mà phù sa lắng lại tạo thành lớp bùn nhão. Cứ thế, ngày qua ngày, nắng gió làm chúng khô lại thành lớp bùn cứng, rồi thành đất. Và khi đó, cây đước theo sau giữ chặt đất lại. Cùng với hai dòng hải lưu, chúng trở thành những người lính xung kích, vừa giữ đất, vừa mở cõi.
            Cây đước, cây mắm mọc dọc theo bờ sông, quấn quýt lấy nhau, rồi thành rừng đước, rừng mắm. Đi đâu cũng thấy hình ảnh của hai cây này, cùng với cây tràm rừng U Minh trở thành 3 “đặc sản” của miệt Cà Mau.
            Với hệ sinh thái độc đáo, đa dạng, Mũi Cà Mau được xếp thứ 2, sau rừng Amazon, Nam Mỹ về rừng ngập mặn. Từ tháng 4/2013, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, thứ 2 tại Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 5 của Việt Nam. Đây là một niềm tự hào lớn của người dân nơi đây. Thiên nhiên cuối cùng cũng trao tặng cho họ những món quà vô giá.
            Mũi Cà Mau được Xuân Diệu gọi là “mũi thuyền” của Tổ quốc, riêng Nguyễn Tuân lại ví như cái "ngón chân cái chưa khô bùn ngàn dặm". Bởi Đất Mũi mỗi năm lấn ra biển từ 50 đến 100m. Thiên nhiên chắt chiu từng hạt phù sa, con người gìn giữ lấy đất. Chuyến hành trình mở rộng bờ cõi quốc gia cứ thế mà tiếp diễn. Mảnh đất nhô ra này như một phần thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, xa xôi mà gần gũi.


Thiêng liêng mà gần gũi, thân thương



            Ngồi canô non 1 giờ, chúng tôi đến được Đất Mũi. Không kiêu sa, lộng lẫy như thành phố Cà Mau, Đất Mũi đón chúng tôi bằng cái chân tình miệt xứ, bằng mùi phù sa nồng ấm sộc lên cánh mũi.
            Giữa khuôn viên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, sáng rực giữa ngôi sao là mốc toạ độ Quốc gia với điểm toạ độ GPS 001. Vào năm 1995, khi mốc tọa độ mới được dựng nên, nó nằm sát bên mép nước, còn bây giờ biển đã lùi xa, đẩy nó vào sâu trong đất liền. Nơi này cách cái chóp nón Lũng Cú, cột mốc cây số 0 ở Hữu Nghị Quan Lạng Sơn 2354 km. Cột mốc tọa độ quốc gia nằm giữa tâm ngôi sao 6 cạnh đỏ rực như một phần của trái tim Việt Nam, thiêng liêng mà gần gũi, thân thương.
            Từ mốc tọa độ  đi thêm vài chục bước chân là đến biểu tượng của mũi Cà Mau với hình ảnh mũi con tàu xé sóng, vươn ra biển lớn mang theo dòng chữ: “Mũi Cà Mau, 8o37’30” vĩ độ bắc, 104o43' kinh độ đông”. Lá cờ Tổ quốc trên con tàu kiêu hãnh tung bay giữa trời gió lộng.
            Cũng trong khuôn viên này là Vọng Hải Đài cao 21 mét, nơi có thể quan sát toàn cảnh Đất Mũi với ba mặt giáp biển - nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn phía biển Tây. Đài cao 21 mét tượng trưng cho thế kỷ 21, 54 bậc thang là 54 dân tộc anh em, còn thân vọng đài là hình ảnh cây đước mạnh mẽ đứng giữa trời. Đứng trên vọng đài, trước mặt là biển cả, sau lưng là rừng đước, 4 bề mênh mông mới cảm nhận được sự rộng lớn của Tổ quốc mình.
            Cô hướng dẫn viên còn chia sẻ với chúng tôi rằng: “Các bạn có đi du lịch nhiều đến đâu, đi trong nước hay đi nước ngoài, nhưng chỉ khi các bạn đặt chân được đến 4 cực Đông-Tây-Nam-Bắc của Tổ quốc, các bạn mới có thể vỗ ngực xưng rằng tôi đã đi cùng trời cuối đất đất nước Việt Nam này”

            Tôi nghe dưới đế giày mình là một lớp bùn mỏng, đặc mùi phù sa. Tôi hít vào lồng ngực đầy gió biển Cà Mau, vừa mặn mà, lại vừa ngọt đậm vị phù sa. Một luồng sức sống mới đang lan toả khắp mảnh đất cực Nam này.

Cái tình miệt 
xứ



            Trong lúc đứng ngắm cảnh, tôi tình cờ được trò chuyện cùng chú Đức. Chú hành nghề xe ôm cũng được mấy năm rồi. Nhà chú ở gần chợ Đất Mũi. Hàng ngày, chú chở những vị khách đi lẻ vào tham quan ở đây, rồi những địa điểm du lịch gần đó. Chú cũng từng ở Sài Gòn, rồi về đây làm ăn cùng gia đình. Không ngờ cái mảnh đất “buồn hiu” này lại níu chân chú cho đến tận bây giờ.
            Chú kể: “Bình thường ở đây cũng buồn lắm. Nay ngày lễ nên mới đông như vậy. Bình thường tối chú đi về nhà một mình cũng sợ ma thấy mồ”. Kết thúc câu chuyện, chú chào tạm biệt chúng tôi bằng một tràng cười sảng khoái rồi quay sang đôn đả hỏi chuyện vị khách của mình. Chú kể đủ chuyện về những biểu tượng này như thể nó đã nằm sâu trong tiềm thức. Chiếc xe máy chạy vụt đi còn để lại giọng cười của chú.
            Cuộc sống có thể thiếu miếng ăn, miếng mặc, nhưng cái tình ở đây lại quá dư dả. Khi chiếc ca nô chạy trên sông Cửa Lớn, chúng tôi buâng quơ vẫy tay chào, không hy vọng nhận lại một lời đáp. Ấy vậy mà, họ mỉm cười với chúng tôi và không ngần ngại vẫy tay chào lại như thể đã quen biết nhau từ thuở nào. Có người còn chủ động vẫy chào chúng tôi với nụ cười tươi rói.
            Dọc bờ sông này, những hàng quán, nhà cửa đều quay mặt ra sông, không nhà nào có cửa, có chăng là một vài tấm rèm che nắng, chắn gió. Nhà cũng có cái tivi, tủ lạnh, nhưng lại không sắm nổi cái cửa nhà. Người ta ở đây đi thuyền như dùng xe máy để đi chợ. Những chiếc thuyền đậu trước nhà, neo lại bằng một sợi dây thừng để tránh sóng cuốn đi chứ không phải sợ người khác lấy trộm. Tài sản cứ thế mà phơi bày ra như sự cởi mở và phóng khoáng của con người nơi đây.
            Còn nhớ, khi đoàn chúng tôi đi qua Cần Thơ, ghé qua bến Ninh Kiều. Hơn 12 giờ đêm, khi cả dãy phố đóng cửa, tắt đèn, chúng tôi đánh liều gõ cửa một hàng quán xin đi nhờ nhà vệ sinh. Một chú đã sẵn sàng dắt chúng tôi tìm nhà vệ sinh và không hề suy tính. Khi chúng tôi nói lời cảm ơn, chú gạt phăng: “Không có chi, việc tốt thì ngày nào cũng gặp thôi”
            Người ta nói người miền Tây chân chất, thật thà, nồng hậu vậy. Người ta dùng tất cả những tính từ tốt đẹp để nói về người miền Tây. Nhưng có đi mới có hiểu. Không một lời nói, tính từ nào có thể nói lên hết được những nét tốt đẹp của con người nơi đây.
            Giữa miệt sông nước, cây cối, đồng ruộng nhiều hơn mái nhà, người miền Tây giúp tôi tin vào những tình cảm tốt đẹp của con người. Và khi đặt bàn chân mình trên mảnh đất tận cùng của đất nước, đặt tay mình chạm lên mốc toạ độ thiêng liêng, mới có thể thấu hiểu được niềm tự hào.
            Đất Mũi đã đánh dấu sự vẹn toàn bờ cõi của dải đất hình chữ S. Mảnh đất phương Nam đầy nắng gió còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ đã trở thành nỗi nhớ thương da diết. Sự kỳ diệu của thiên nhiên, tấm lòng chân thành, phóng khoáng của con người khiến cho miền đất tận cùng đất nước có một sức hút mãnh liệt trong trái tim người Việt.
            Chúng tôi rời khỏi Đất Mũi, để lại nơi đây một niềm tiếc nuối. Chuyến hành trình này không đủ thời gian để tôi lưu lại Đất Mũi lâu hơn. Tôi vẫn chưa được nằm trên chiếc xuồng ba lá, mà úp mặt xuống lòng thuyền mà nghe cá “nói chuyện” như trong bộ phim Đất phương Nam mà tôi xem thuở nhỏ, tôi còn chưa được vào rừng U Minh mà ngắm dòng nước đen, nghe mùi mật ong ngọt lịm, chưa được nghe những câu chuyện về bác Ba Phi hay những câu hò, những bài đờn ca tài tử. Nhưng rồi, chúng tôi cũng sẽ trở lại trong một ngày không xa, như một người bạn của tôi từng chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình: “Cà Mau, sẽ quay lại nhưng không phải trên xe du lịch và canô máy”
CẨM TIÊN

Bài đăng phổ biến