NỬA CHẶNG ĐƯỜNG HỌC BÁO

(Trước đây) Tôi không có dự định học báo. Chưa bao giờ! Tôi không hề có cái khái niệm về nghề báo là như thế nào. Cái duy nhất tôi biết được là “báo đời”. Ấy vậy mà giờ tôi lại xuất hiện trong khoa Báo chí như một cái lỗi của định mệnh.


Tôi đã đánh cược với số phận

Khi tôi không được chọn đường đi, tôi lại tin vào số phận. Tôi rũ bỏ tất cả những ước mơ, lãng quên cả những năng khiếu mà tôi vốn có, để bước vào một cuộc chơi mà tôi biết mình sẽ đánh đổi rất nhiều. Cũng may là ông Trời còn dành cho tôi một con đường, báo chí cũng là chuyện viết, cũng có thể là nghệ thuật.
5 năm nữa bạn sẽ là ai, ở đâu?” – thầy Trưởng khoa đã đặt cho chúng tôi câu hỏi ấy ngay trong lần đầu gặp mặt. Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vạch định sẵn con đường mình sẽ đi trong tương lai. Tôi thấy mình lạc loài giữa chúng bạn. Tôi ngơ ngác nhìn những con người vĩ đại trong cái lớp mới cất lên tiếng nói của họ. Tôi nghĩ về tương lai mình, nếu được như những gì tụi nó huyên thuyên, hẳn sẽ “hoành tráng” lắm. Họ chọn nghề này, ít ra họ cũng hiểu mình sẽ đi đâu. Còn tôi, tôi để định mệnh dẫn lối.
Tôi bắt đầu nghe kể về những anh chị khoá trên đã ra trường có tháng kiếm được cả vài chục triệu, cái tên trang trọng đính trên những trang báo và được người khác nhắc đến như một thần tượng.
Và tôi đã mơ màng nghĩ về những hào quang mà cái nghề này mang lại.


Thực tế phũ phàng

Khi bắt đầu làm những bài thực hành, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, viết bài cộng tác, tôi bắt đầu nhận ra những điều khó khăn trong nghề và biết được cái thực tế phũ phàng mà chuyện làm nghề mang lại. Câu chuyện của nghề báo không phải lúc nào cũng chỉ đi đến những cuộc hội thảo, gặp những người quyền cao chức trọng, phỏng vấn ông này, bà kia…, mà phải lội xuống ruộng, đi dọc kênh, thức đêm giữa chợ… Và đó là điều khác biệt và sức hấp dẫn mà cái nghề này mang lại.
Cầm trên tay món tiền còm sau những ngày mình bỏ công bỏ sức lẫn chi tiêu hơn cả những gì nhận lại. Nhưng tôi lại dâng lên cái cảm giác hạnh phúc lạ kỳ khi lần đầu tiên được cầm trên tay món tiền mà bản thân phải lao động nghiêm túc mới có được. Tôi thấm thía cái ý nghĩa những gì mình có được sau đồng tiền chứ không phải là thứ vật chất hiển hình mà đồng tiền mang lại.
“Cái nghề này sẽ không khiến bạn giàu được, nhưng bạn cũng kiếm sống được với nó. Sống đàng hoàng thì cái nghề nó không phụ bạn đâu”- một người thầy đã an ủi chúng tôi bằng câu nói này. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có đủ sức để theo nó. Lần đầu tôi nhận được bài tập, đứa con mới “ra ràng” gọi điện về cho mẹ và khóc nức nở, khiến ba mẹ tôi lo lắng: “Không được thì về đây mà học đại cái gì đi, rồi kiếm việc mà làm”. Rồi những lần đi viết bài, chúng tôi bị người ta “đuổi như đuổi tà”. Đôi lúc người ta cũng ném cho chúng tôi cái nhìn dò xét, xen lẫn cái khinh khi của những đứa “chuyên đi tọc mạch chuyện nhà người khác”…
Có người nói với tôi rằng, con gái làm nghề này nó khổ lắm, con gái yếu đuối thì không làm được đâu. Nhưng tôi sẽ đi đến cuối cuộc chơi, để phen này xem số phận có thắng được tôi mãi không.

Từ ngày tôi học báo

Bước vào con đường báo chí, tôi đã thay đổi mình ít nhiều, cho phù hợp với đời, phù hợp với nghề. Tôi không còn khả năng viết văn. Tôi không còn viết được những lời văn bay bổng, không đúng với thực tế, xa rời thực tế. Trái lại, tôi viết thật hơn. Tôi không muốn những con chữ dưới tay mình là những con chữ vô hồn, vô nghĩa. Chưa bao giờ tôi phải so đo từng chữ như thế này. Chữ này sử dụng như thế đã đúng hay chưa. Thậm chí, tôi đã không sử dụng một số chữ “hay ho” chỉ bởi vì tôi không chắc mình đã hiểu được chúng. Thà không viết còn hơn viết sai. Tôi chỉ viết ra những thứ mà tôi biết chắc mình hiểu được chúng.Tôi cân đong đo đếm, để từng câu tôi viết, chính tôi phải hiểu, người đọc của tôi hiểu và tìm thấy ý nghĩa hay ít nhất là chút thông tin bổ ích trong bài viết của tôi.
Tôi hoài nghi mọi thứ. Và tôi biết được nhiều thứ không còn là màu hồng như tôi vẫn nghĩ. Tôi luôn thấy đâu đó là sự dối lừa, lấp liếm, che đậy. Vì báo chí nói nhiều chuyện, nhiều thứ quá. Ngay cả tờ báo còn là thứ không đáng tin. Chính vì thế, tôi cũng e dè trong chuyện kết thân với một ai đó. Làm báo là phải luôn sẵn sàng nói chuyện, xin số điện thoại và kết thân. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn không làm được chuyện đó. Tôi cần thời gian để quan sát, để lắng nghe…, đến khi tôi đủ tin tưởng. Khi xin số điện thoại, tôi cần biết, mình có sẽ sử dụng nó hay không, và vào mục đích gì.



Trong câu chuyện 2 năm học báo, tôi thấy nhiều thứ xung quanh mình thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn những gì tôi viết ở trên. Có những lúc, những sự thật trong chuyện làm nghề khiến tôi như muốn bỏ cuộc. Nhưng số phận đã chọn cho tôi con đường này. Tôi nghĩ mình vẫn còn có điểm gì để dành cho nó. Ít ra thì tôi sẽ được chia sẻ đến công chúng của tôi những thông tin có ích một chút, đi được nhiều một chút, gặp được nhiều người một chút, hiểu đời một chút nữa để mà sống với nó, hay ít ra là cười thoã mãn khi trong tay rủng rỉnh món nhuận bút mà mình bán chữ, bán sức mà có được. Nó là kết quả lao động của những năm mài đũng quần hết ghế này đến ghế khác. Đôi khi, đó chỉ niềm vui khi mình vừa được đính tên lên sản phẩm mình được tạo ra, và được công nhận. Đôi khi đó còn là ánh nhìn tôn trọng (hay khinh khi) của người khác khi mình đang tác nghiệp.

Hơn 2 năm, tôi đi được chừng này. Có lẽ không quá tệ để khiến tôi bỏ cuộc.


 P.T.C.T


Nhận xét

Bài đăng phổ biến